Đặc điểm Trộm cắp cưỡng bức

Khác với tội trộm cắp tài sản, trộm cắp cưỡng bức không phải vì lợi ích cá nhân. Trên hết, người bệnh thực hiện hành vi chỉ vì cảm giác thoải mái, thỏa mãn, giảm bớt lo âu và căng thẳng. Họ lấy trộm đồ mà không có nhu cầu sử dụng và trên thực tế hoàn toàn có thể mua được món đồ đó. Trong nhiều trường hợp, đó chỉ là những món đồ ít hoặc không có giá trị tiền bạc, chúng sau sẽ được cất, bỏ đi hoặc thậm chí bí mật trả lại cho chủ cũ. Người mắc hội chứng này hành động đơn độc, tự phát, trong khi nhiều tội phạm trộm cắp sẽ có kế hoạch chi tiết và có đồng phạm.[7][8]

Địa điểm kích thích người bệnh lấy trộm là những nơi công cộng, ví dụ như cửa hàng, tạp hóa, hội chợ hoặc ở các sự kiện, buổi tiệc. Họ cũng có thể ăn cắp của bạn bè, người quen.

Kleptomania có thể dẫn tới mâu thuẫn trong quan hệ gia đình, công việc. Bệnh cũng có liên quan đến các rối loạn tâm thần khác như chứng bất ổn tâm lý, lo lắng, trầm cảm. Ngoài ra, vì trộm cắp là phạm tội, người bệnh có thể phải đối mặt với pháp lý và nguy cơ bị bắt giữ, tống giam.[9][10]